Như đã nói ở 2 kỳ trước, võ đường số 8 Võ Tánh (Huế) là cái nôi sản sinh ra nhiều thế hệ môn sinh không chỉ làm rạng danh bộ môn Karate Do Việt Nam mà tinh thần võ đạo của họ còn tỏa sáng trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Có những người rất thành đạt trên thương trường mà bí quyết thành công là nhờ được tôi luyện tinh thần võ đạo. Võ sư Nguyễn Xuân Dũng là một điển hình như thế.
Kỳ cuối: Samurai giữa thương trường
Huyền đai đệ bát đẳng Nguyễn Xuân Dũng là một điển hình của các thế hệ môn sinh Karate Do Việt Nam, được chính võ sư chưởng môn Choji Suzuki huấn luyện trực tiếp, truyền thụ gần như trọn vẹn các tuyệt kỷ của hệ phái. Anh trở thành một trong những Trưởng tràng đầu tiên – người trực tiếp điều hành hệ phái trong phạm vi toàn quốc. Sau này, trong những năm tháng bôn ba mưu sinh ở hải ngoại, anh đã có thời gian làm Chủ tịch Hội nghiên cứu võ thuật thế giới.
13 tuổi anh có cơ duyên được thụ giáo với thầy Choji Suzuki và nhanh ng trở thành một cao thủ võ lâm. Trong hồi ức của những đồng môn ở võ đường số 8 Võ Tánh thời kỳ những năm 1960 thì Nguyễn Xuân Dũng là người say võ thuật kỳ lạ. Anh vẫn thường vung tay đấm vỡ một lúc 10 viên gạch thẻ, cước công có thể làm vỡ tan một tấm gỗ dày, trái dừa khô hay tươi đều nhẹ nhàng dùng cạnh bàn tay mà chặt vỡ, những cú đã liên hòan của anh có thể bay vèo qua đầu bốn năm người.
Năm 19 tuổi, từ Huế anh vào ẩn tu trong một thảo am ở Đà Lạt rồi sau đó về Sài Gòn định mở võ đường nhưng không vốn liếng, mặt bằng. Vào lúc bí nhất, anh dốc hết vốn liếng võ nghệ để viết cuốn sách Huyền đai Karate rồi mang đến các nhà xuất bản với một hy vọng mong manh. Cuốn sách lọt mắt xanh của ông chủ nhà xuất bản Khai Trí, một cao thủ xuất bản ở Sài Gòn và được trả giá 100.000 đồng (tương đương với 6 lượng vàng), một cái giá nằm ngoài sức tưởng tượng của tác giả. Nhưng ông chủ Khai Trí vốn là người nổi tiếng trong việc thẩm định những cuốn sách chất lượng cao nên đã không hề nhầm lẫn trong thương vụ này.
Lần đầu tiên trong đời được sở hữu một khoản tiền lớn, Nguyễn Xuân Dũng chớp ngay thời cơ mở một võ đường lớn. Bấy giờ ở Sài Gòn các võ phái như Thái cực đạo, Nhu đạo, Thiếu lâm, Vovinam đang phát vượng, chuyện mở thêm võ đường đã là chuyện ít người dám nghĩ đến, nói gì đến việc mở võ đường cho một môn phái hòan tòan mới lạ và người mở lại là một chàng trai chỉ mới 24 tuổi. Nhưng điều đó không làm nản ***g Nguyễn Xuân Dũng. Anh mạnh dạn thuê mặt bằng 193 Trần Hưng Đạo, một vị trí tuyệt đẹp giữa trung tâm Sài Gòn để mở đại võ đường Champion Karate. Việc ấy làm ngứa mắt nhiều người nên lắm kẻ bắn lời thách đấu. Thế chẳng đặng đừng, anh nhận lời. Cũng nhờ vậy mà chỉ qua một vài lần so găng, những gì chàng võ sĩ giám đốc Champion Karate này thể hiện đã thuyết phục được giang hồ hảo hớn Sài Gòn. Đại võ đường Champion Karate vì thế càng thêm nổi tiếng và thu hút hơn cả ngàn môn sinh. Đó cũng là nhân duyên để sau này anh được vinh dự mời làm cố vấn và trực tiếp huấn luyện võ thuật cho đại sứ quán Nhật Bản.
Trong làn sóng di tản những năm sau giải phóng, Nguyễn Xuân Dũng cùng gia đình sang định cư ở Mỹ. Những người qua Mỹ với hai bàn tay trắng như anh hầu hết phải sống lay lắt mãi với cảnh ngữa tay xin cứu trợ xã hội. Riêng anh thì không. Chỉ một tháng sau khi đến Mỹ anh đã xin vào làm công nhân cho một hãng sản xuất đồ điện tử. Công việc tiếp xúc với những máy móc mạ vi mạch vào trong chíp điện tử khiến anh say mê đến lạ lùng. Thời gian này ngành công nghiệp điện tử của Mỹ đang bước vào giai đọan bùng nổ về công nghệ. Những chip, parts …. vừa nhỏ gọn vừa có sức truyền dẫn chính xác cực cao soán dần ngôi vị của những transitor, capacitor, diode to cũ và lạc hậu. Anh luôn băn khoăn với câu hỏi: vì sao người Mỹ người Nhật có thể chiếm lĩnh được công nghệ cao về điện tử mà lại không phải là người Việt? Đau đáu một tấm ***g như thế nhưng với kiến thức của luật khoa và văn khoa Sài Gòn không thể làm gì được nên anh quyết tâm phải theo học ngành điện tử. Để có tiền nuôi vợ con mà vẫn nuôi được ý chí, anh đăng ký đi làm “ca nghĩa địa”, tức là ca làm từ 23 giờ đêm đến 7 giờ sáng hôm sau, để được trả công thêm 25 xu một giờ và có nguyên cả ngày hôm sau chú tâm vào việc học. Chịu được hàng năm trời với giờ giấc và cường độ làm việc như vậy thật không dễ. Anh kể: “Tôi phải thường xuyên luyện khí công trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy kết hợp với thường xuyên tắm nước lạnh, giữ phần nội lực kín và đầy, những động tác phát tiết ra ngòai thường rất ít”. Mất mấy năm sau anh đã có được tấm bằng kỹ sư điện tử rồi thạc sĩ quản trị kinh doanh, sau này lấy được cả học vị tiến sĩ.
Có được vốn liếng kiến thức, anh tập hợp khoảng chục công nhân người Việt để mở một cơ sở gia công đồ điện tử. Khi việc làm ăn phát đạt anh quyết định lập một công ty lớn tiên phong trong lĩnh vực máy tính điện tử. Nhưng chuyện mở ra một công ty lớn như thế về công nghệ cao và ngay giữa đất Mỹ đầy rẫy sự cạnh tranh khốc liệt là chuyện không dễ chút nào. Cam go nhất là vốn? Cũng như thời mở võ đường Champion Karate ở Sài Gòn, anh lại bắt đầu và thành công bằng một sự tự tin hiếm có. Nhưng lần này không thể viết sách để bán mà là viết cho bằng được một dự án với mục tiêu trước tiên là phải thuyết phục được ngân hàng bỏ tiền cho anh vay ít nhất vài trăm ngàn đô la. Ban đầu, khi dự án được đệ trình cho hội đồng thẩm định của Ngân hàng Bank of America nhiều người vẫn hòai nghi vào khả năng của chàng trai gốc Việt 30 tuổi đã không vốn liếng, không có tài sản thế chấp lại chỉ mới định cư có 6 năm. Nhưng phương án thiết kế một hệ máy tính mới nhất thế giới với các kế họach sản xuất chi tiết đã hòan tòan thuyết phục được đầu óc kinh doanh siêu nhạy cảm của giám đốc Bank of America. Kết cuộc là Bank of America đã cho anh vay đến 1 triệu đô la chứ không chỉ vài trăm ngàn đô la như ý muốn ban đầu. Dự án được triển khai và thu hút hàng trăm công nhân gốc Việt. Đấy chính là Công ty máy tính Quantek- một trong những công ty máy tính nổi tiếng thế giới, nơi mà vào tháng 4-1984 đã qua mặt cả tập đòan máy tính IBM khi sản sinh ra hệ máy tính AT Computer sử dụng CPU 80286, là hệ máy tính tiên tiến nhất tại Mỹ lúc bấy giờ.
Sau Quantek, anh còn mở một loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao mà tiêu biểu là Công ty Power Cicut Inc chuyên sản xuất bản mạch in điện tử nhiều lớp với doanh số mỗi năm trên 30 triệu mỹ kim, cung cấp cho các công ty quốc phòng và các hãng như Boeing, Sony, AST, Toshiba ….
Khi đã thành danh trên thị trường Mỹ, anh nghĩ đến việc phải chuyển giao công nghệ cao về cho quê hương. Năm 1994, anh về nước đầu tư 4,3 triệu USD để đem hệ thống dây chuyền hiện đại bậc nhất thế giới về công nghệ hàn dán linh kiện điện tử trên bo mạch với một tâm niệm duy nhất: đào tạo cho quê hương một đội ngũ thợ công nghệ cao lành nghề và cũng để chứng minh rằng người Việt hoàn tòan không thua kém ai cả. Nhưng điều anh không ngờ đến là vừa khi hoàn tất đầu tư và chỉ mới bước vào hoạt động thì thị trường trong nước ngập tràn máy tính second- hand và cấu kiện, linh kiện điện tử Trung Quốc nhập lậu giá rẻ; các nhà sản xuất máy tính và điện tử chất lượng cao rơi vào thảm cảnh lỗ lã, có nơi phải ngừng hoạt động. Công ty của anh là nơi cung cấp các bản bo mạch cho các doanh nghiệp này nên cũng không thóat khỏi hệ lụy. Anh tạm rút lui khỏi thị trường quê hương nhưng vẫn hẹn ngày quay lại để làm ra những sản phẩm điện tử công nghệ cao mang nhãn hiệu Madein Việt Nam.
Bây giờ thì anh không chỉ là một người Việt thành danh mà còn là một chuyên gia tầm cỡ về tài chính trên đất Mỹ.
“Thế giới ngày nay đã không ngừng tranh đấu không thành công trong việc giới hạn vũ khí, trong đó có vũ khí cá nhân. Tại sao các bậc phụ huynh không khuyến khích con em tham gia rèn luyện sức khỏe cùng với việc đòi hỏi giới hạn vũ khí… có người cho rằng như vậy cuối cùng người học võ khi đã đạt được một trình độ cao có nghĩa là bàn chân, bàn tay họ đã trở thành một thứ khí giới nguy hiểm không khác gì súng đạn, họ cũng sẵn sàng đem ra sử dụng như vũ khí. Nhưng thực chất võ thuật rèn luyện thể chất chỉ là một vế, vế kia là tinh thần vì võ thuật còn rèn luyện con người phát triển được tuệ giác. Vì vậy mà tất cả các môn phái đều có chữ Đạo để theo: Nhu Đạo, Thái Cực Đạo, Kiếm Đạo v.v… Người học võ đến nơi đến chốn sẽ có những hành động được truyền từ thức giác nên luôn hành xử quang minh, chính đại, đầy phong cách và nhân ái. Người môn sinh phải gian khổ rèn cho được một tinh thần bình thản trước hiểm nguy, sống đúng theo nguyên tắc và danh dự của một võ sĩ đạo. Giữa cuộc sống đầy bất trắc và nhiều tai ương người học võ trong sống đời xô đẩy đó vẫn bình thản vào cuộc với niềm tin ở chính mình và người khác, sẵn sàng gạnc khơi trong để hướng đến chân thiện mỹ”.