Karate hay Karatedo là một môn võ thuật truyền thống của vùng Okinawa (Nhật Bản). Từ Karate bắt nguồn từ kara (không) và te (tay), có nghĩa là “vô thủ đạo”. Bản chất của môn võ này là một nghệ thuật chiến đấu những đòn đấm, đá, đánh cùi chỏ/gối và các kỹ thuật đánh rộng khác. Tuy nhiên, Karate vẫn sử dụng những cú đấm móc, các kỹ thuật tay liên hoàn, các đòn khóa, chặn, quật ngã và những đòn đánh vào chỗ hiểm. Karate sử dụng kỹ thuật xoay hông để tăng sức mạnh của cú đánh, và kỹ thuật ép để tập trung lực vào thời điểm tác động của cú đánh. Giống như nhiều môn khác ở Nhật Bản (Cung đạo, Kiếm đạo, Côn đạo...), Karate được gắn thêm hậu tố "Đạo", phát âm trong tiếng Nhật là "DO", tạo thành cái tên Karatedo.
Lịch sử ra đờiCách đây hàng ngàn năm, khi trụ trì ở chùa Thiếu lâm, Trung Quốc, Bồ Đề đạt ma (Bodhidharma) đã dạy cho các môn đồ của mình một môn võ thuật để rèn luyện sức khoẻ, trong đó đòi hỏi các môn đồ phải rèn theo kỷ luật hết sức nghiêm khắc. Đây chính là nền tảng ban đầu của môn võ Thiếu lâm. Sau đó, do ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hòn đảo Okinawa, môn võ Thiếu lâm đã nhanh chóng được truyền bá vào Okinawa từ thời nhà Đường (từ năm 618 đến 906) dưới cái tên Tode (Môn võ của nhà Đường), hay còn gọi là Đường thủ, và được người Okinawa tích cực hưởng ứng.
Đầu thế kỷ 17, sự xâm chiếm của lãnh chúa Satsuma trên hòn đảo Okinawa cùng với lệnh cấm mang theo vũ khí càng khiến cho người Okinawa càng hăng say luyện tập Tode, tất nhiên là trong vòng bí mật. Năm 1692, Tode được đổi tên thành Okinawa-te (môn võ của người Okinawa). Thế nhưng, mãi đến năm 1903, Okinawa-te mới được công nhận trên toàn nước Nhật và đổi tên thành Karate Jutsu (Kara nghĩa là Đường, Okinawa là tay và Jutsu là nghệ thuật).
Người được coi là tổ sư của môn Karate hiện đại là ông Gichin Kunakochi (1868-1957), người thành lập nên hệ phái Shotokan. Ngoài ra còn có thể kể đến đồng môn của ông là Mabuni đã thành lập nên hệ phái Shito và Miyagi người khai sinh và phát triển hệ phái Goju. Hiện nay, ở cả Nhật và Okinawa có tới hơn 100 hệ phái Karate khác nhau.
Năm 1932, Karate Jutsu được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học và đổi tên thành Karatedo. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Karatedo mới được truyền bá ra nước ngoài. Chỉ sau một thời gian ngắn, Karatedo đã được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. Năm 1960, Liên hiệp Karatedo Thế giới (WUKO) được thành lập và đến năm 1994 đổi tên thành Liên đoàn Karatedo Thế giới (WKF), với sứ mệnh chỉ đạo và định hướng hoạt động của các liên đoàn karatedo châu lục và khu vực.
Ba nội dung cơ bản của KarateViệc tập luyện Karate hiện đại được chia làm ba phần chính: Kỹ thuật cơ bản ("Kihon" theo tiếng Nhật), Quyền pháp ("Kata") và Đối kháng ("Kumite")
Kỹ thuật cơ bản (Kihon) được tập luyện từ các kỹ thuật cơ bản (kỹ thuật đấm, động tác chân, các thế tấn) của môn võ. Đây là thể hiện "mặt chung" của môn võ mà phần lớn mọi người thừa nhận, ví dụ những bước thực hành đòn đấm.Nếu chỉ học chiếu lệ phần này và chạy theo Quyền pháp và Đối kháng thì coi như người học võ đã bỏ quan điều căn bản nhất của võ thuật và chắc chắn sẽ không thể thành công.
Quyền pháp (Kata) chính là các bài mẫu vận động và chiêu thức thể hiện các nguyên lý chiến đấu trong thực tế. Quyền pháp là tổ hợp toàn bộ các cách thức và phương pháp được thể hiện trong bài quyền. Trong Karate, mỗi bài quyền đều là một hệ thống các kỹ thuật, động tác (tấn pháp, thủ pháp, cước pháp và nhãn pháp) được sắp xếp và bố trí một cách khoa học, dựa trên nền tảng, tư tưởng, truyền thống và những kinh nghiệm thu được từ thực tiễn. Quyền pháp không phải là một điệu múa hay một lối võ mang tính sân khấu. Trái lại, nó phải được gắn liền với các giá trị và nguyên tắc võ thuật mang tính truyền thống. Điều căn bản nhất là Quyền pháp phải thể hiện hiện được một cách chân thực tính chiến đấu cũng như sự tập trung cao độ, sức mạnh và khả năng đích thực của đòn. Mỗi đòn đều được đánh giá dựa trên sức mạnh, tốc độ, độ chính xác, phong thái, nhịp điệu và cả sự thăng bằng của người ra đòn.
Đối kháng (Kumite), nghĩa là “sự gặp gỡ”, là cấp thứ ba của võ thuật nói chung. Đối kháng hiện nay được luyện tập để thi đấu hoặc đơn thuần là tự vệ. Tuỳ từng mục đích và phong cách của các võ đường mà đối kháng có thể mang tính tự do (Đối kháng tự do) hoặc bó hẹp trong những điều luật nhất định (Đối kháng quy ước).
Phẩm chất của KaratedoCó thể nói yếu tố quan trọng nhất của Karatedo đó là Kokoro – đây đồng thời cũng là đặc tính không thể thiếu của bất cứ môn võ nào. Mỗi môn võ có thể lý giải đặc tính này theo một cách thức khác nhau, nhưng tựu chung, Koroko có nghĩa là “chữ tâm”, “phẩm cách” và “quan điểm”. Những người học Karate trước hết phải hiểu được rằng môn đây là môn nghệ thuật không phải được dùng để đả thương người khác mà là để tự vệ và bảo vệ những người khác, đồng thời phải luôn răn mình để ngày càng củng cố và phát huy phẩm cách đó.
“Mục đích cao cả nhất của Karatedo không phải là sự chiến thắng hay bại trận, mà là phẩm cách của người sở hữu và làm chủ nó.” “Phương thức” ở Karatedo không nên hiểu là phương thức ra đòn và chiến đấu mà cần được hiểu là “kim chỉ nam” dẫn dắt mỗi người học Karate tìm thấy sự yên bình và hoà hợp bên trong. Nghĩa vụ của mỗi người học Karate đó là phải tìm kiếm và tìm thấy “phương thức” đó.
Năm điều huấn thị của Karate
Võ sư Funakoshi Gichin - tổ sư của môn Karate hiện đại đã đưa ra năm điều huấn thị đối với người luyện Karate trong rèn luyện đạo đức:
1. Nỗ lực hoàn thiện nhân cách.
2. Luôn luôn chân thành.
3. Nuôi dưỡng tinh thần nỗ lực.
4. Trọng lễ nghĩa.
5. Kiềm chế các hành vi nóng nảy.